Non-hotelier Branded Residence: Khi sự sang trọng thấm nhuần vào lối sống

Non-hotelier Branded Residence: Khi sự sang trọng thấm nhuần vào lối sống

Định nghĩa và phân loại Non-hotelier Branded Residence

Non-hotelier Branded Residence là một trong bốn dạng bất động sản cấp cao do Savills, công ty làm về dịch vụ bất động sản uy tín hàng đầu, phân loại và chiếm tỉ lệ thấp nhất trong danh sách. Non-hotelier Branded Residence hiểu nôm na là những căn hộ hay biệt thự được thiết kế, xây dựng, quản lý, hay vận hành dựa theo tiêu chuẩn của một thương hiệu cao cấp không thuộc công nghiệp du lịch – nhà hàng – khách sạn, ví dụ như Armani, Missoni, hay Aston Martin.

Ảnh: Chung cư branded residence tại World Towers là sự kết hợp của Armani/Casa và tập đoàn Lodha với sự hỗ trợ về mặt tư vấn concept của Italian Atelier tại Mumbai, Ấn Độ

Theo chia sẻ của ông Gianfranco Bianchi, chủ tịch và người sáng lập Italian Atelier, đơn vị đã hỗ trợ tư vấn concept nội thất cho các căn hộ thuộc tòa tháp cao nhất thế giới tại Mumbai, Ấn Độ trong dự án kết hợp của tập đoàn Lodha và thương hiệu Armani/Casa, non-hotelier branded residence chia làm 3 loại:

Entirely branded residence là những căn hộ được thiết kế theo sự chỉ đạo của thương hiệu và trang bị nội thất hoàn toàn của nhãn hiệu đó. Những căn hộ thuộc dạng branded residence này sẽ dễ dàng nhận biết do trong tên của chúng luôn đi kèm tên thương hiệu, ví dụ như Missoni Baia, branded residence đầu tiên của hãng thời trang nổi tiếng từ Ý, Missoni.

Ảnh: Missoni Baia – branded residence của Missoni tại Miami, Mỹ (Nguồn: MissoniBaia)

Hai kiểu branded residence còn lại sẽ không được gắn tên thương hiệu cùng với tên toà nhà mà dấu ấn của nhãn hàng cao cấp đó chỉ hiện hữu qua thiết kế và nội thất. 

Branded residence với thiết kế lấy cảm hứng từ thương hiệu là kiểu biệt thự được thiết kế bởi một bên thứ ba không phải nhà đầu tư hay nhãn hàng. Thiết kế này sẽ cần được thương hiệu thông qua trước khi được thi công.

Branded residence với nội thất đến từ nhãn hàng là dạng căn hộ được trang hoàng bởi tất cả đồ nội thất của một thương hiệu cụ thể. 

Theo JJL Vietnam, hiện nay trên thế giới có 55,000 branded residence. Một báo cáo mới đây của Savills cho biết, con số này sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Công ty này còn cho biết tới năm 2026, trên thế giới sẽ có hơn 900 dự án bất động sản cấp cao. 

Chính Savills vào tháng 4 năm 2021 đã khẳng định Việt Nam là một trong 10 nước có ngành bất động sản cấp cao phát triển nhất thế giới. Theo nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn tư vấn C9 Hotelworks cứ 3 dự án Branded Residences trên thế giới lại có 1 dự án tại châu Á. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2025 sẽ có 79 dự án đi vào hoạt động, cung cấp ra thị trường hơn 16.000 căn hộ và biệt thự. Và đứng đầu làn sóng này là Thái Lan với 30 dự án, đứng thứ hai là Philippines với 12 dự án và Việt Nam với 8 dự án. Có thể nói, tiềm năng của Branded Residence tại nước ta là vô cùng lớn.

Tiềm năng của (Non-hotelier) Branded Residence tại Việt Nam

Có 3 lí do giải thích cho tiềm năng lớn của ngành bất động sản cao cấp tại nước ta:

1. Việt Nam là lựa chọn của nhiều người nước ngoài

Khảo sát năm 2020 của InterNations, mạng lưới lớn của expat (những người nước ngoài đang sống và làm việc tại một nước sở tại) đã xếp hạng Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí thứ 3 trong danh sách 20 thành phố đáng sống nhất cho expat, chỉ sau Đài Bắc và Kuala Lumpur. Trong báo cáo của Savills cũng nhắc tới việc Việt Nam là một điểm nghỉ dưỡng được lựa chọn nhiều của bạn bè quốc tế, do đó nhu cầu sở hữu Branded Residence tại nước ta đang ngày một tăng cao. 

2. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngay cả trong đại dịch

Kể cả khi trải qua COVID-19, nền kinh tế Việt Nam, không giống như những nước khác, đã có thể thoát khỏi sự suy thoái trong năm 2021 nhờ sự xử lí và hành động kịp thời của nhà nước, với mức tăng trưởng 2,91%. Theo báo cáo tài chính của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF, mức tăng trưởng này thuộc top 4 cao nhất thế giới.

Trong bài nghiên cứu kinh tế 193 nước của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) tại Anh cho rằng kinh tế của nước ta sẽ còn tăng gấp năm lần trong năm 2035 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới. GDP của Việt Nam sẽ tăng tới 7% trong năm năm sắp tới và tăng thêm 6.6% trong thập kỉ tiếp theo để đạt mức GDP trên danh nghĩa là 1,59 tỉ đô – tăng gấp năm lần trong 15 năm, vượt qua cả các nền kinh tế lớn ở Châu Á như Đài Loan và Thái Lan. 

Bên cạnh đó, Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua và số người siêu giàu tại nước ta đã đạt mức 13,9% trong khoảng thời gian từ 2010 tới 2019, theo Wealth-X, công ty uy tín cung cấp thông tin về sự giàu có trên toàn cầu. 

 

Ảnh: Wealth-X

Báo cáo Wealth Report 2021 của Knight Frank cũng cho rằng tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người siêu giàu với giá trị ròng ít nhất là 30 triệu USD một người và 25812 người giàu với tài sản ít nhất là 1 triệu USD. Chỉ số này có nghĩa trong năm năm tới, sự tăng trưởng trong giới nhà giàu ở nước ta sẽ đạt 30%.

3. Bất động sản cao cấp mang tính bền vững cao

Báo cáo năm 2019 của Knight Frank cho thấy ở những thành phố là cái nôi của bất động sản cao cấp như London, Hong Kong, New York, Los Angeles, Singapore, và Sydney, giá Branded Residence đã tăng theo từng năm và không những không giảm trong đại dịch năm 2020 mà còn tiếp tục tăng tới 5% trong năm 2021. Lý giải cho sự phát triển này, ông Matthew Powell, giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng những thương hiệu lớn mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý. Bởi vậy, đại dịch toàn cầu như COVID-19 sẽ chỉ làm tăng giá bất động sản cao cấp chứ không thể làm giảm giá trị của chúng.

Không những hội tụ đầy đủ những yêu cầu của khách hàng mong muốn nhất: không gian rộng mở, dịch vụ cao cấp, ẩm thực tinh tế và các tiện nghi khác tạo cảm giác thư giãn tối đa, các căn hộ và biệt thự còn được quản lý bởi các thương hiệu hàng đầu thế giới, tài sản luôn được chăm sóc và bảo quản một cách chuyên nghiệp và cẩn thận. Khi dịch bệnh khiến xã hội phải giãn cách và con người phải học và làm việc tại nhà, nhu cầu mua Branded Residence càng lớn hơn do sự linh hoạt và tiện ích mà nó mang lại cho khách hàng. Những lợi thế này là yếu tố sẽ giúp loại hình bất này phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Hiểu được sự bền vững của Branded Residence, hiện nay đây là tài sản được nhiều nhà đầu tư thông thái lựa chọn làm kênh tích lũy tài sản an toàn và dài hạn trong bối cảnh thay đổi của nền kinh tế vì khả năng chống chịu tốt trước những biến cố, khủng hoảng trong lịch sử của loại bất động sản này. 

Không thể phủ nhận sự thật rằng Branded Residence đang tăng trưởng lớn mạnh tại thị trường trong nước. Không chỉ các tập đoàn khách sạn lớn mà các thương hiệu cao cấp như Armani, Missoni, Aston Martin, Fendi, hay Lamborghini cũng thể hiện mối quan tâm tới việc góp phần xây dựng, thiết kế và quản lí Branded Residence của riêng họ tại nước ta. Nhu cầu không chỉ đến từ một phía khi Italian Atelier, đại diện thương mại độc quyền của Armani/Casa và MissoniHome tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương thông tin rằng hàng tháng họ đều nhận được yêu cầu và thắc mắc của khách hàng về các dự án bất động sản cao cấp trong nước. Rõ ràng, Branded Residence, đặc biệt là Non-hotelier Branded Residence, đang là mối quan tâm lớn tại Việt Nam và các nhà đầu tư cần nắm bắt cơ hội để thoả mãn nhu cầu của thị trường nước ta.